Chúng tôi tự hào là đơn vị phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...uy tín hơn 15 năm trên thị trường
Hotline: 0936356116

Những thói quen gây suy giảm thính lực

Dùng tai nghe âm lượng lớn trong thời gian dài, thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, không điều trị nhiễm trùng tai làm tăng nguy cơ suy giảm thính lực.

Tai có hàng nghìn tế bào lông có nhiệm vụ truyền âm thanh từ tai đến não. Ngưỡng cường độ âm thanh an toàn mà tai người có thể xử lý phải nhỏ hơn 80 dB (decibel). Mức âm thanh lớn làm tổn thương sự kết nối giữa tế bào lông và tế bào thần kinh dẫn đến gián đoạn quá trình cảm nhận âm thanh.

Suy giảm thính lực (nghe kém) là hiện tượng giảm một phần hay toàn bộ khả năng cảm nhận âm thanh. Triệu chứng như không nghe rõ âm thanh, khó nghe, nghe thông tin lẫn lộn, khó phân biệt âm thanh, ù tai.

ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số thói quen dưới đây dễ dẫn đến thính lực suy giảm.

Đeo tai nghe với âm lượng lớn trong thời gian dài làm tổn thương các tế bào lông trong tai, tăng áp lực âm thanh lên màng nhĩ và các cấu trúc nhạy cảm bên trong tai, gây tổn thương, ù tai.

Một người dễ bị suy giảm thính lực nếu nghe âm thanh với 100 dB (decibel) trong 15 phút hoặc nghe âm lượng trên 85 dB liên tục trong 8 giờ. Đeo tai nghe không quá 60 phút để tai nghỉ ngơi xen kẽ 5-10 phút, giảm âm lượng liên tục khi phải dùng tai nghe lâu. Các mức âm lượng khuyến khích là mức độ nhẹ 30-50 dB, mức độ trung bình khoảng 60 dB. Không nghe âm thanh với mức độ lớn trên 70 dB.

Tiếp xúc với tiếng ồn lớn ở các sự kiện âm nhạc, công trường xây dựng, máy móc công nghiệp, quán bar... có thể gây ù tai, tổn thương tế bào lông trong ốc tai, suy giảm thính lực. Người phải làm việc trong môi trường mức âm thanh lớn nên sử dụng nút bịt tai để giảm mức độ tiếp xúc 5-45 dB.

Không điều trị viêm tai, để bệnh kéo dài có thể dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ dẫn đến suy giảm thính lực.

Chăm sóc tai không đúng cách như chọc mạnh hay ngoáy tai quá sâu, dùng dụng cụ kim loại khiến các bộ phận trong tai bị tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng nghe. Chủ quan không điều trị khi có các triệu chứng như ù tai, đau tai, cũng có khả năng cao suy giảm thính lực.

Sử dụng thuốc không đúng cách, uống thuốc không theo chỉ định, lâu dài có thể ảnh hưởng đến thính lực. Những loại thuốc gây hại cho tai như nhóm kháng sinh aminoglycoside có tác dụng diệt khuẩn, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau chống viêm...

Ngoài ra, người hút thuốc lá trực tiếp và thụ động cũng có nguy cơ mất thính lực cao hơn người không hoặc ít tiếp xúc với khói thuốc lá. Chất nicotine và carbon monoxide có trong khói thuốc lá làm giảm nồng độ oxy trong máu, co mạch máu trên toàn cơ thể. Chất này còn tác động đến chất dẫn truyền thần kinh trong tai đến não. Hút thuốc lá còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tổn thương lên các mô trong mũi, cổ họng, dễ gây nhiễm trùng ảnh hưởng đến tai.

Bác sĩ Phúc Anh khuyến nghị người gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến tai nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám sớm.

 

Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-thoi-quen-gay-suy-giam-thinh-luc-4779660.html