Những điều nên làm để bảo vệ gan
Tập thể dục thường xuyên, ăn uống cân đối, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá giúp gan hoạt động ổn định, phòng tránh tổn thương.
Bệnh gan rất phổ biến nhưng dấu hiệu tổn thương ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Người bệnh thường phát hiện muộn với các biến chứng nặng, không thể điều trị dứt điểm.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết gan có thể tái tạo hoàn toàn nếu tổn thương dưới 25%. Tổn thương lớn hơn vẫn có khả năng tái tạo nhưng không được như ban đầu. Xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh có vai trò quan trọng, giúp gan hoạt động ổn định. Bác sĩ Phương gợi ý một số cách bảo vệ gan dưới đây.
Duy trì cân nặng hợp lý: Người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh lý gan do chuyển hóa còn gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Non Alcoholic Fatty Liver Disease - NAFLD). Theo các hướng dẫn điều trị và dự phòng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu của các hiệp hội về gan trên thế giới, giảm cân góp phần giảm lượng mỡ tích tụ, giúp cải thiện tình trạng viêm gan và xơ hóa gan.
Chế độ ăn cân đối: Các nhóm dưỡng chất cần thiết cần cân đối bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất. Hạn chế ăn thức ăn giàu năng lượng, chứa chất béo bão hòa, các loại carbohydrat đã qua chế biến (bánh mì trắng, gạo trắng...), thức ăn nhiều đường. Thay vào đó, tăng cường chất xơ từ hoa quả tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám. Uống nhiều nước để đảm bảo cung cấp đủ nước cho các hoạt động chuyển hóa và đào thải chất cặn bã của cơ thể.
Tập thể dục thường xuyên: Duy trì bài tập nhịp điều nhẹ nhàng 30-60 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Hoặc kết hợp các bài tập cường độ mạnh 20-30 phút mỗi ngày và 2-3 ngày trong một tuần. Vận động góp phần giảm mỡ tích tụ, thúc đẩy nhu động ruột, tăng mức năng lượng, giảm căng thẳng cho gan.
Tránh tiếp xúc với các độc tố: Gan đảm nhận chức năng chuyển hóa và thải trừ các chất ngoại lai khỏi cơ thể. Các chất độc hại như aflatoxin (độc tố do vi nấm aspergillus sản sinh ra) có thể gây tổn thương cho tế bào gan. Thực phẩm bị nấm mốc, nhất là ngũ cốc cần loại bỏ, ngay cả khi chế biến ở nhiệt độ cao vì aflatoxin vẫn có thể gây hại cho gan.
Hạn chế sử dụng rượu: Các bệnh lý ở gan có liên quan đến lạm dụng rượu có thể kể đến như viêm gan cấp tính, suy gan cấp, xơ gan do rượu bia. Uống nhiều rượu trong thời gian dài còn có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng, bệnh lý não gan, ung thư gan...
Không dùng chung bơm kim tiêm: Dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ tiêm truyền tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh lây qua đường máu, trong đó có các loại virus viêm gan như virus viêm gan B, virus viêm gan C... Đây là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ung thư gan.
Các đồ dùng vệ sinh cá nhân có thể dính máu trong quá trình sử dụng, tăng khả năng lây nhiễm chéo các mầm bệnh qua đường máu. Người có tiếp xúc với máu người khác nghi ngờ nhiễm bện nên đến bác sĩ khám để có biện pháp kiểm soát các tác nhân lây bệnh qua đường máu và virus viêm gan B, C.
Quan hệ tình dục an toàn: Virus viêm gan B, virus viêm gan C có thể lây truyền qua đường tình dục khi dịch tiết sinh dục của người mang virus xâm nhập vào cơ thể người chưa bị nhiễm. Biện pháp bảo vệ cơ thể an toàn khi quan hệ như dùng bao cao su, chung thủy một vợ một chồng.
Rửa tay trước bữa ăn: Virus viêm gan A có thể lây qua đường ăn uống. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh tay thường xuyên là biện pháp phòng tránh lây nhiễm hiệu quả.
Dùng thuốc đúng hướng dẫn sử dụng: Phần lớn thuốc đều được chuyển hóa qua gan. Dùng thuốc không đúng hướng dẫn sử dụng (quá liều, phối hợp sai thuốc...) có thể gây viêm hoại tử tế bào gan ở các mức độ khác nhau.
Bất cứ loại thuốc nào khi sử dụng cũng cần được bác sĩ tư vấn liều lượng, khả năng tương tác với các thuốc khác. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cảm thấy bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Tiêm phòng vaccine viêm gan virus: Hiện, chỉ có vaccine cho virus viêm gan A, B và chưa có vaccine cho virus viêm gan C. Tiêm chủng đúng lịch góp phần giảm nguy cơ nhiễm virus viêm gan B, bảo vệ cơ thể.
Khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người mắc bệnh trong nhiều năm mà không biết. Khi phát hiện, bệnh thường đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Khám sức khỏe định kỳ góp phần phát hiện bệnh sớm, kịp thời điều trị.
Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-dieu-nen-lam-de-bao-ve-gan-4783185.html