Những dấu hiệu viêm đại tràng không nên bỏ qua
Nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu của bệnh viêm đại tràng vì nghĩ rằng có thể cải thiện bằng cách thay đổi thói quen ăn uống. Tuy nhiên, đây là điều nguy hiểm khi căn bệnh có thể dẫn đến ung thư đại tràng.
Nhận biết bệnh viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng ngày càng phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, trong đó có thói quen của nhiều người trẻ hiện nay như ăn uống không đảm bảo vệ sinh, uống rượu bia, hút thuốc lá…
Khi bệnh diễn ra trong một thời gian dài, các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng và gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần của bệnh nhân. Người bị viêm đại tràng mãn tính lâu năm có nguy cơ ung thư đại tràng - bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu cùng với ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày.
Viêm đại tràng có nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh thường bỏ qua vì cho rằng các dấu hiệu khá giống với rối loạn tiêu hóa thông thường.
Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của bệnh được chia thành 2 thể gồm viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mãn tính.
1. Viêm đại tràng cấp tính:
Đau bụng: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm đại tràng. Người bệnh sẽ cảm thấy các cơn đau truyền dọc theo khung đại tràng và đau quặn thắt ở vùng bụng dưới. Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn cảm thấy cứng hoặc căng tức ở vùng bụng.
Viêm đại tràng gây tiêu chảy: Bệnh nhân sẽ đi đại tiện nhiều lần trong ngày. Sau khi đại tiện, người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn sẽ có nhu cầu đi tiếp. Phân có nhiều nước, không đóng thành khuôn và có lẫn máu. Nếu trong bữa ăn, bệnh nhân ăn các thực phẩm tái, sống thì triệu chứng sẽ càng rõ ràng hơn.
Chán ăn: Tình trạng ăn uống không ngon miệng, không muốn ăn diễn ra khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, trí nhớ suy giảm.
2. Viêm đại tràng mãn tính:
Đau bụng kéo dài: So với những người bệnh viêm đại tràng ở giai đoạn cấp tính, người mắc ở giai đoạn mãn tính sẽ có những cơn đau dữ dội hơn. Thời gian đau sẽ kéo dài và xuất hiện cơn quặn nhiều lần. Cơn đau sẽ chạy dọc ở theo vùng khung đại tràng và hai hố xương chậu.
Đại tiện bất thường: Mỗi ngày người bệnh sẽ đi đại tiện từ 4 - 5 lần, có thể nhiều hơn ở dạng táo bón hoặc tiêu chảy. Phân có mùi hôi tanh, có lẫn máu, chất nhầy và không thành khuôn. Dù đã đi vệ sinh nhưng người bệnh vẫn cảm thấy căng tức vùng bụng và muốn đi nữa.
Suy nhược cơ thể: do đại tràng bị tổn thương nặng cộng với việc chán ăn khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng .
Trên đây chỉ là một số triệu chứng mà nhiều người bệnh gặp phải. Triệu chứng sẽ tùy từng bệnh nhân và thể bệnh.
Làm gì khi bị bệnh?
Theo các chuyên gia y tế, khi nhận thấy có biểu hiện của bệnh viêm đại tràng, bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị phù hợp. Về nguyên tắc, bệnh viêm đại tràng được điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp. Ví dụ như khi bị táo bón, người bệnh sẽ phải giảm chất béo, tăng cường chất xơ và chia bữa ăn thành từng bữa nhỏ.
Về phương pháp điều trị, bệnh nhân viêm đại tràng có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chưa có phương pháp trị dứt điểm căn bệnh này.
Để hỗ trợ điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Nguồn: Vietnamnet.vn