Chúng tôi tự hào là đơn vị phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...uy tín hơn 15 năm trên thị trường
Hotline: 0936356116

Một số phương pháp giúp giảm nóng gan

Hạn chế tiêu thụ carbohydrate, tăng lượng rau xanh, uống nhiều nước, kiểm soát căng thẳng giúp loại bỏ độc tố, giảm nóng trong gan.

Nóng gan là tình trạng gan tổn thương, dấu hiệu cảnh báo gồm rối loạn hoặc suy giảm chức năng gan cấp tính. Nóng gan xảy ra do thói quen sinh hoạt không khoa học hoặc bệnh lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

BS.CKI Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết các dấu hiệu rối loạn chức năng gan giai đoạn đầu thường không rõ ràng, biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, đau tức vùng bụng.

Người bị nóng gan thời gian dài, không được phát hiện và điều trị, các triệu chứng biểu hiện rõ hơn như thay đổi màu da và màu mắt, ngứa, đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, chảy máu chân răng, khó ngủ, suy nhược cơ thể.

Nóng gan có thể điều trị và kiểm soát nếu người bệnh kết hợp dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ với điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Tăng cường rau xanh, protein: Rau xanh, trái cây giúp làm sạch và phục hồi chức năng thải lọc của gan. Protein góp phần ổn định đường huyết và cân nặng, làm giảm áp lực lên gan.

Ăn nhiều rau củ, trái cây giúp thanh nhiệt cơ thể. Ảnh: Freepik

Uống đủ nước: Nước hỗ trợ điều hòa thân nhiệt, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể qua mồ hôi và nước tiểu, chống lại quá trình oxy hóa các tế bào. Ngoài nước lọc, người bệnh nóng gan có thể dùng nước bí đao, nước gạo lứt, trà xanh, trà thảo dược.

Giảm tiêu thụ carbohydrate: Thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, mì ống, cơm, ngũ cốc, khoai tây dễ chuyển hóa thành chất béo, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, nóng gan. Thực phẩm chiên xào có lượng muối cao, đồ ăn nhanh, đồ hộp, thịt đỏ, măng tươi cũng nên hạn chế. Chúng chứa các thành phần dễ chuyển hóa thành chất gây hại, tăng áp lực lên gan dẫn đến quá tải.

Hạn chế bia rượu: Không nên uống nhiều rượu để các tế bào gan tự tái tạo và phục hồi, giảm nóng gan.

Nghỉ ngơi đầy đủ: Mọi người nên ngủ đủ giấc, khoảng 8 tiếng mỗi ngày, không thức khuya quá 23h. Nhờ đó gan có đủ thời gian chữa lành các tế bào bị tổn thương, đảm bảo chức năng thải độc.

Kiểm soát căng thẳng: Đọc sách, nghe nhạc, thiền... để thư giãn tinh thần, có lợi cho hệ tiêu hóa.

Rèn luyện thể chất: Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, cường độ thích hợp giúp tăng hiệu quả trao đổi chất, gan hoạt động tốt hơn, giảm nguy cơ nóng gan và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra, khuyến cáo mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ, tiêm vaccine đầy đủ để kịp thời phát hiện và phòng ngừa các bất thường ở gan. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng.

 

Nguồn:https://vnexpress.net/cach-giam-nong-gan-4647137.html