Chúng tôi tự hào là đơn vị phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...uy tín hơn 15 năm trên thị trường
Hotline: 0936356116

8 tác hại của thiếu ngủ lâu ngày

THIẾU NGỦ LÂU NGÀY DỄ DẪN ĐẾN SUY GIẢM NHẬN THỨC, MIỄN DỊCH KÉM, TĂNG NGUY CƠ ĐỘT QUỴ, ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ BỆNH TIM MẠCH.

Mất ngủ là dạng rối loạn giấc ngủ, biểu hiện như khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên giật mình và dậy sớm khi chưa đủ giấc.

BS.CKI Trần Thị Thanh Thúy, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều yếu tố khiến nhiều người bị mất ngủ như tuổi tác, căng thẳng trong công việc, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Người bị mất ngủ kéo dài và mức độ thiếu ngủ nghiêm trọng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Suy giảm nhận thức: Mức độ thiếu ngủ càng nhiều, tình trạng kém tỉnh táo càng nặng. Người mất ngủ thường xuyên thường gặp khó khăn khi làm việc do suy giảm khả năng tập trung và nhận thức.

Người hay ngủ không đủ giấc có trí nhớ kém hơn và khó tập trung hơn do bị tổn thương thần kinh ở vùng hải mã (phần não liên quan đến học tập, trí nhớ, hình thành ký ức mới. Mất ngủ, thiếu ngủ trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ khi về già. Thiếu ngủ còn có thể dẫn đến tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Giảm chức năng miễn dịch: Giấc ngủ và hệ thống miễn dịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn đến viêm dai dẳng ở mức độ thấp, suy giảm miễn dịch. Trong khi ngủ, cơ thể sản xuất các protein liên quan đến chức năng miễn dịch, hỗ trợ duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Đồng thời tăng sản xuất hormone cytokine giúp phục hồi và chữa lành vết thương, chống lại nhiễm trùng.

Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường: Cơ thể gặp nhiều khó khăn hơn khi xử lý lượng đường đã hấp thụ khi thiếu ngủ. Điều này góp phần gây ra tình trạng không dung nạp glucose và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch: thiếu ngủ làm tăng huyết áp, viêm, nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch. Người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ đau tim cao hơn 20% so với người ngủ 6-9 tiếng.

Tăng nguy cơ đột quỵ: Bác sĩ Thúy cho biết người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm trong thời gian dài có nguy cơ đột quỵ cao gấp ba lần so với người ngủ 7 tiếng. Người có triệu chứng mất ngủ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 51% so với người không có triệu chứng mất ngủ. Thiếu ngủ, mất ngủ dễ làm tăng huyết áp, thừa cân, béo phì. Đây là những yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.

Suy thận: Thiếu ngủ kéo dài làm tăng khả năng phát triển bệnh đái tháo đường, bệnh tim và béo phì, các yếu tố góp phần gây ra tổn thương ở thận, dẫn đến suy thận. Tình trạng này còn làm suy giảm hệ miễn dịch, gây viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu, lâu dài sẽ suy giảm chức năng thận.

Ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột: Dạ dày và ruột là nơi chứa hệ vi sinh vật được tạo thành từ hàng nghìn tỷ vi khuẩn có lợi, giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Thiếu ngủ có liên quan đến giảm số lượng lợi khuẩn trong ruột, tăng nguy cơ đầy hơi, khó tiêu, viêm dạ dày, buồn nôn... Ngược lại, đường ruột không khỏe cũng có thể có tác động tiêu cực đến giấc ngủ.

Mắc các bệnh về mắt: Ngủ không đủ giấc dẫn đến khô mắt, ngứa hoặc đỏ mắt, khả năng cao nhiễm trùng mắt. Mắt có xu hướng nhạy cảm với ánh sáng do không ngủ đủ giấc. Theo thời gian dễ sinh ra các vấn đề nghiêm trọng về mắt như bệnh tăng nhãn áp.

Để phòng tránh thiếu ngủ, mất ngủ, bác sĩ Thúy khuyến cáo duy trì ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Người trưởng thành nên ngủ trung bình 7-8 tiếng mỗi ngày. Thanh thiếu niên 13-18 tuổi nên ngủ 8-10 tiếng mỗi ngày. Trẻ nhỏ cần ngủ khoảng 9-12 tiếng mỗi ngày. Các trường hợp khó ngủ, mất ngủ nên sớm đi khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị cụ thể. Bổ sung một số tinh chất thiên nhiên như từ blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) giúp cải thiện tuần hoàn máu não, hỗ trợ giảm mất ngủ và đau đầu.

 

Nguồn: https://vnexpress.net/8-tac-hai-cua-thieu-ngu-lau-ngay-4753734.html