Men gan là các loại enzyme trong tế bào gan, có tác dụng như một chất xúc tác giúp chuyển hóa protein từ thực phẩm thành năng lượng để phục vụ các hoạt động sống của cơ thể. Khi tế bào gan viêm hoặc tổn thương, enzym này bị rò rỉ và phóng thích vào máu nhiều hơn bình thường, làm tăng nồng độ men gan trong cơ thể.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến men gan tăng như virus viêm gan A, B, C, D, lạm dụng rượu bia, bệnh lý về đường mật (khối u đường mật, nhiễm trùng đường mật, sỏi đường mật trong gan, teo đường mật bẩm sinh) làm hủy hoại tế bào gan. Chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, môi trường sống ô nhiễm, uống thuốc không theo chỉ định cũng tác động xấu đến cơ quan này.
Men gan tăng không được kiểm soát có thể gây ra các biến chứng như viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Một số thay đổi lối sống góp phần phòng ngừa, quản lý tình trạng hạ men gan.
Ưu tiên thực phẩm tự nhiên và hữu cơ: Những chất phụ gia trong thực phẩm ăn liền, thực phẩm công nghiệp có thể làm men gan tăng cao, dễ tổn thương gan. Mọi người ưu tiên thực phẩm hữu cơ tự nhiên, an toàn, không có hormone tăng trưởng, ít dùng các loại thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp.
Ăn nhiều rau củ quả: Nguồn vitamin dồi dào và các sắc tố carotenoid có trong trái cây, rau củ quả tươi góp phần trung hòa độc tố trong gan, bớt căng thẳng, thức đẩy gan tự tái tạo, chữa lành, từ đó hạ men gan.
Một số rau củ cần ưu tiên như rau họ cải (cải xanh, cải xoăn, bắp cải), súp lơ trắng, rau giàu hàm lượng lưu huỳnh như hành tây, tỏi. Các loại củ quả như củ cải đường, bơ, chanh, bưởi... góp phần hạ men gan cao nhanh.
Tăng chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ chứa nhiều chất chống oxy hóa, thúc đẩy đường ruột tiêu hóa thức ăn, tăng nhu động, kích thích đẩy chất độc ra khỏi hệ tiêu hóa. Chế độ ăn giàu chất xơ mỗi ngày còn giúp làm sạch đường máu, ổn định đường huyết, giảm lượng chất béo tích tụ trong gan, hạn chế gánh nặng thải độc, giảm men gan nhanh. Ngũ cốc nguyên hạt, hạt, hoa quả, rau xanh cũng là nguồn chất xơ dồi dào.
Hạn chế uống rượu: Rượu làm tăng tổn thương gan, men gan cao. Hạn chế hoặc bỏ rượu để tránh tổn thương thêm cơ quan này. Bổ sung vitamin nhóm B để nâng cao sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường trao đổi chất, tiêu hao năng lượng thừa, hạn chế lượng mỡ tích tụ trong gan. Đây còn là biện pháp kích thích cơ chế giải độc tự nhiên thông qua bài tiết mồ hôi.
Bác sĩ Khanh dẫn các nghiên cứu cho thấy tập thể dục thể thao ít nhất 150 phút mỗi tuần hỗ trợ hạ men gan. Đi bộ nhanh khoảng 30 phút mỗi ngày cũng tốt cho sức khỏe lá gan.
Giảm cân: Duy trì cân nặng ở mức hợp lý góp phần hạ men gan. Chất béo tích tụ do béo phì có thể ảnh hưởng đến các tế bào gan, cản trở chức năng gan và kích thích các phản ứng viêm. Giảm cân hợp lý và đúng cách làm giảm tình trạng căng thẳng của gan, hạn chế tổn thương có thể xảy ra.
Bỏ thuốc lá: Ngừng hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động là cách giảm tải chất độc cho gan, hạn chế tổn thương gan. Gia đình có thể dùng máy lọc không khí trong nhà để loại bỏ chất độc thừa, góp phần hạ men gan nhanh.
Uống thuốc theo chỉ định: Người bệnh nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng nhiều loại thuốc như thuốc giảm đau, dễ gây độc cho gan.
Bên cạnh thực hiện phương pháp hạ men gan trên, người bệnh cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn: https://vnexpress.net/8-cach-ha-men-gan-4661540.html