Chúng tôi tự hào là đơn vị phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...uy tín hơn 15 năm trên thị trường
Hotline: 0936356116

6 mẹo quản lý căng thẳng

Suy nghĩ tích cực, quản lý công việc theo thứ tự ưu tiên, kết nối xã hội nhiều hơn, thực hành các kỹ thuật thư giãn có tác dụng giảm căng thẳng.

Căng thẳng là trạng thái lo lắng hoặc áp lực về tinh thần khi gặp khó khăn. Đây là phản ứng tự nhiên của con người khi phải giải quyết những thách thức và mối đe dọa trong cuộc sống. Mọi người đều trải qua căng thẳng ở một mức độ nào đó trong đời. Nếu không được kiểm soát, căng thẳng có thể trở thành mạn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng khả năng mắc bệnh. Dưới đây là cách giúp kiểm soát tình trạng này tốt hơn.

Suy nghĩ tích cực

Những suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến căng thẳng. Khi gặp khó khăn, suy nghĩ tích cực hơn giúp giảm bớt và vượt qua stress dễ dàng hơn.

Kỹ thuật thư giãn

Các kỹ thuật thư giãn giúp chống lại phản ứng căng thẳng, ví dụ tập thở, giãn cơ, thiền, yoga... Chọn kỹ thuật thư giãn mà bạn thích để thực hiện đều đặn, đem lại hiệu quả giảm stress cao hơn.

Ví dụ bài tập thở bằng cơ hoành (cơ ngăn giữa vị trí lồng ngực và ổ bụng) giúp đưa không khí vào phổi nhiều hơn, giảm mức độ căng thẳng. Để bắt đầu, hãy ngồi xếp bằng, hít vào từ từ, rồi thở ra chậm rãi. Bạn có thể đặt tay lên bụng để cảm nhận sự lên xuống của bụng hoặc đếm trong khi hít vào và thở ra.

Tập luyện yoga giúp giảm căng thẳng.

Quản lý công việc theo thứ tự ưu tiên

Đôi khi, bạn cảm thấy choáng ngợp, mệt mỏi khi có rất nhiều công việc và nhiệm vụ phải hoàn thành. Quản lý thời gian và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên, xác định những việc quan trọng và cần hoàn thành sớm hơn, việc nào chưa cần làm ngay hoặc làm sau vài ngày giúp giảm căng thẳng.

Ngoài bớt stress, xây dựng lịch trình và lập kế hoạch công việc cũng tăng năng suất và giải phóng nhiều thời gian hơn.

Kết nối xã hội

Tương tác nhiều hơn với bạn bè và gia đình vừa gắn kết với người thương yêu vừa hạn chế căng thẳng. Ngoài ra, tham dự các buổi họp mặt xã hội, câu lạc bộ, hội nhóm cùng sở thích... cũng có thể giúp ích.

Giao lưu với bạn bè giúp giải toả căng thẳng

Hạn chế tác nhân kích thích căng thẳng

Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây stress như hút thuốc, uống rượu, xem các chương trình và tin tức mang tính bạo lực, tiêu cực, nhất là trước khi đi ngủ.

Hòa mình vào thiên nhiên

Dành thời gian trong không gian thiên nhiên như đi bộ trong công viên, ngồi thư giãn bên hồ nước, bước ra ngoài sau ngày làm việc bận rộn đi đến nơi nhiều cây xanh... để tinh thần thoải mái. Những điều này còn làm giảm hormone căng thẳng cortisol.

Ngoài các cách trên, ăn uống lành mạnh và cân bằng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc cũng có tác dụng tích cực. Nếu căng thẳng mạn tính ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, người bệnh nên đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ.

 

Nguồn: https://vnexpress.net/6-meo-quan-ly-cang-thang-4739984.html