Chúng tôi tự hào là đơn vị phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...uy tín hơn 15 năm trên thị trường
Hotline: 0936356116

5 thực phẩm người loãng xương cần hạn chế

Thịt đỏ, thực phẩm giàu đường, muối, caffeine, oxalate và phytate làm tăng nguy cơ hao hụt canxi, khiến bệnh loãng xương tăng nặng.

Loãng xương là bệnh mạn tính, thường xảy ra ở phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh và đàn ông ngoài độ tuổi 50. Bệnh có thể khởi phát ở những người trẻ tuổi hút thuốc lá, lười vận động, thói quen ăn uống thiếu cân đối trong thời gian dài hoặc do di truyền.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết để kiểm soát bệnh loãng xương, bên cạnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần chế độ dinh dưỡng khoa học. Nên tăng cường thực phẩm giàu canxi, kẽm, vitamin D, hạn chế thức ăn làm tăng nguy cơ hao hụt canxi, khiến bệnh loãng xương tăng nặng

Thịt đỏ: Thịt bò, lợn, cừu, dê giàu protein, khi cơ thể chuyển hóa sinh ra các gốc axit, khiến nồng độ pH máu hạ thấp. Để trung hòa lượng axit này, cơ thể có xu hướng lấy canxi ra khỏi xương vì canxi là một chất kiềm hóa tự nhiên. Quá trình này làm suy giảm mật độ khoáng chất trong xương, khiến bệnh loãng xương tiến triển nặng. Người bệnh loãng xương không nên ăn thịt đỏ quá 70 g mỗi ngày, không quá 500 g mỗi tuần.

Thực phẩm giàu oxalate và phytate: Cà chua, cải bó xôi, cà tím, khoai tây, đậu và các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt... khiến cơ thể hạn chế hấp thụ canxi. Khi gặp ion canxi trong cơ thể, chất oxalate và phytate có khả năng tạo phản ứng hóa học, hình thành kết tủa tinh thể canxi oxalate, canxi phytate, khiến ruột khó hấp thụ canxi.

Thực phẩm nhiều muối: Người bệnh loãng xương nên kiêng ăn mặn vì hàm lượng muối natri cao trong thực phẩm mặn có thể gây hụt canxi trong cơ thể. Khi lượng natri được bài tiết qua nước tiểu tăng lên, nó cũng kéo theo một lượng đáng kể canxi. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ gãy xương cho người bệnh loãng xương.

Thực phẩm nhiều đường: Tiêu thụ thực phẩm nhiều đường có thể làm tăng lượng canxi bài tiết trong nước tiểu khiến xương thất thoát canxi và thúc đẩy bệnh loãng xương tiến triển. Thực phẩm nhiều đường còn giàu calo, tiêu thụ nhiều làm tăng nguy cơ gây thừa cân và béo phì, tạo áp lực lên xương, tăng nguy cơ tổn thương xương hoặc mắc bệnh về khớp ở người bệnh loãng xương.

Thực phẩm giàu caffeine: Cacao, chocolate, cà phê, trà xanh... có thể làm tăng tốc độ thất thoát canxi qua nước tiểu, giảm mật độ khoáng của xương, lượng canxi trong cơ thể. Người bệnh loãng xương tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể tăng nguy cơ gãy xương, khiến bệnh nặng hơn. Hàm lượng caffeine tiêu thụ tối đa mỗi ngày đối với người bệnh loãng xương nên dưới 400 mg.

Bác sĩ Duy Tùng cho biết người bệnh loãng xương nên tập thể dục đều đặn và vừa sức. Không uống rượu bia, không sử dụng chất kích thích và tránh xa khói thuốc lá. Tái khám định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp (nếu có). Người bệnh nên đi khám dinh dưỡng để bác sĩ kiểm tra chỉ số cơ thể và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp, có thể làm chậm tiến triển bệnh.

Loãng xương làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp, gây đau nhức. Một số tinh chất thiên nhiên như Eggshell membrane extract (chiết xuất màng vỏ trứng), Collagen type II không biến tính và Collagen peptide thủy phân, Chondroitin sulfate (thành phần chính của cấu trúc nền ngoại bào), Turmeric root extract (chiết xuất củ nghệ)... hỗ trợ giảm đau, tái tạo sụn khớp, giúp xương khớp chắc khỏe.

 

Nguồn: https://vnexpress.net/5-thuc-pham-nguoi-loang-xuong-can-han-che-4740320.html