Chúng tôi tự hào là đơn vị phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...uy tín hơn 15 năm trên thị trường
Hotline: 0936356116

5 thói quen hại đường ruột

Ăn nhiều đường, uống rượu bia, hút thuốc, ngủ không đủ giấc làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dễ mắc bệnh tiêu hóa.

Đường ruột có hàng triệu vi sinh vật hỗ trợ tiêu hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng, chịu trách nhiệm về khả năng miễn dịch. Có khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể tập trung ở ruột.

Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tỷ lệ lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột con người ở trạng thái cân bằng là 3:1. Nếu tỷ lệ "vàng" này bị phá vỡ, sức đề kháng giảm, khả năng phục hồi sau nhiễm trùng kém, dễ dẫn đến nhiều bệnh như viêm ruột, viêm khớp vẩy nến, tiểu đường, chàm dị ứng, béo phì, xơ cứng động mạch.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột như di truyền, thuốc kháng sinh, tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại, chế độ ăn uống sinh hoạt thiếu lành mạnh. Dưới đây là một số thói quen nên tránh.

Ngủ không đủ giấc làm gián đoạn nhịp sinh học, kích thích dạ dày tăng tiết axit, tổn thương các tế bào niêm mạc tiêu hóa, ảnh hưởng đến sinh trưởng của lợi khuẩn trong đường ruột.

Mất ngủ kéo dài gây căng thẳng, giảm lưu lượng máu đến ruột, thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột. Bác sĩ Hoàng Nam dẫn nghiên cứu cho thấy căng thẳng làm giảm sự đa dạng và thay đổi cấu trúc vi khuẩn như gia tăng số lượng hại khuẩn clostridium, giảm lợi khuẩn lactobacillus.

Ngủ không đủ giấc gây căng thẳng, làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột. Ảnh: Freepik

Ăn nhiều đường làm thay đổi quần thể vi khuẩn đường ruột, giảm lợi khuẩn như lactobacillus, nhiều hại khuẩn hơn, tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc ruột, viêm đại tràng. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị nam giới nên bổ sung tối đa khoảng 37,5 g đường (9 thìa cà phê), nữ là khoảng 25 g (6 thìa cà phê) mỗi ngày.

Chế độ ăn thiếu chất xơ tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tiêu hóa, ảnh hưởng hệ vi sinh đường ruột. Bổ sung đủ chất xơ giúp nhuận tràng, kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón, hạn chế nguy cơ viêm ruột. Sự phân hủy chất xơ giúp điều chỉnh độ pH trong đường ruột, hỗ trợ vi khuẩn có lợi (probiotic) phát triển.

Chất xơ hòa tan (prebiotic) còn là nguồn thức ăn, thúc đẩy lợi khuẩn phát triển, giúp cơ thể hấp thụ canxi. Prebiotic có nhiều trong yến mạch, chuối, hành, tỏi, măng tây, atiso, đậu nành... Bác sĩ Nam cho biết người bình thường cần tối thiểu 18-20 g chất xơ một ngày, tương đương với khoảng 200-300 g rau và khoảng 100 g quả.

Rượu bia làm chết lượng lớn lợi khuẩn, tạo điều kiện cho hại khuẩn bùng phát, sinh sôi, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Uống nhiều rượu bia có thể dẫn đến các bệnh tiêu hoá.

Hút thuốc lá khiến mất cân bằng sinh thái đường ruột. Nicotin khi vào cơ thể có thể gia tăng lượng hại khuẩn bacteroidetes, giảm số lượng lợi khuẩn firmicutes và proteobacteria.

Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc có thể tăng tình trạng thiếu oxy mô, thiếu máu cục bộ, gây viêm niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến rối loạn chức năng hàng rào ruột. Các thành phần độc hại trong khói thuốc có thể giảm tác dụng của peptide (axit amin có tác dụng tổng hợp protein) gây rối loạn hệ vi sinh vật.

Theo bác sĩ Nam, bỏ hút thuốc lá sau 9 tuần có thể cải thiện được tình trạng này. Uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên, ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng giờ và chia nhỏ nhiều bữa tốt cho đường ruột.

Nên ưu tiên protein nạc và chất béo tốt lành mạnh trong cá biển, bơ, các loại hạt; hạn chế thực phẩm chiên rán, chế biến sẵn, uống nước ngọt có gas... để duy trì sức khoẻ đường ruột.

 

Nguồn:https://vnexpress.net/5-thoi-quen-hai-duong-ruot-4653154.html