Muối, đồ ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, đồ ngọt nhiều đường bổ sung kích hoạt phản ứng viêm có thể dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường.
Muối và đồ ăn mặn: Cắt giảm lượng muối (natri) nạp vào cơ thể giúp giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ, sỏi thận.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị mọi người nên giới hạn lượng natri ở mức 1.500 mg mỗi ngày. Để cắt giảm muối, hãy nêm ít vào món ăn tự nấu, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói, ưu tiên thực phẩm tươi.
Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa: Theo AHA, mỗi người nên ăn ít hơn 10% lượng calo hàng ngày từ chất béo bão hòa và 5-6% với người mắc cholesterol cao.
Ăn quá nhiều chất béo bão hòa tăng cholesterol xấu, làm cho mạch máu thu hẹp và gây tắc nghẽn trong các động mạch. Loại này chủ yếu có trong sản phẩm từ động vật như thịt bò, thịt lợn mỡ, kem, sữa nguyên chất béo.
Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa làm giảm cholesterol tốt HDL, tăng cholesterol xấu LDL. Đây là loại chất béo tồn tại ở dạng lỏng trong nhiệt độ phòng. Để tồn tại ở thể rắn, chúng được bổ sung thêm hydro trong món như thịt nướng, đồ ăn nhanh và bơ thực vật.
Thịt chế biến là loại thịt được bảo quản bằng cách hun khói, xử lý, thêm chất bảo quản như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, thịt nguội.
Chúng đa số được chế biến kỹ, chứa nhiều natri cùng các chất bảo quản như natri nitrat (NaNO3). NaNO3 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trong khi tiêu thụ quá nhiều muối có liên quan đến huyết áp cao.
Đường bổ sung: Tiêu thụ quá nhiều đường có thể kích hoạt tình trạng viêm trong cơ thể, tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và tiểu đường.
Lượng đường tiêu thụ mỗi ngày chỉ ở mức 5% lượng calo hàng ngày từ đường bổ sung. Chẳng hạn một người ăn 2.000 calo mỗi ngày thì lượng đường chỉ khoảng 100 calo, tương đương 25 g hoặc 5 thìa cà phê.
Nguồn: Vnexpress.net